Việt - Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

30/12/2024
|
0 lượt xem
Thế Giới
Việt - Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 7/10 đã hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Elysee, Paris. Hai lãnh đạo tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.

Hai bên đã ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ, đề cập làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường, và tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Toàn văn tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt - Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Điện Elysee ngày 7/10. Ảnh: TTXVN

Việt - Pháp cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.

Hai nước đánh giá hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng, nhất trí triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác đã ký, sớm tổ chức Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng, phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo sĩ quan, chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn an ninh khu vực và thế giới.

Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự Pháp cập cảng Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam, nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Về kinh tế - thương mại, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam, khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hai bên tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư của hai bên tại mỗi nước nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và có thể dự đoán được. Việt Nam mong muốn Pháp sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Pháp và các công ty Pháp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị và đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi carbon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics và cơ sở hạ tầng cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển.

Tổng thống Macron khẳng định sẽ sớm đề nghị quốc hội thông qua hiệp định EVIPA. Tổng thống Pháp đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP và chuyển đổi xanh.

Về lĩnh vực y tế, giáo dục, hai bên nhất trí đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, khuyến khích người dân hai nước tham gia vào các sự kiện văn hóa lớn của mỗi nước.

Hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Pháp và các nước phương Nam nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tổng thống Macron đánh giá cao vai trò cộng đồng người Việt tại Pháp, coi đây là cầu nối quan trọng giữa hai nước, khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp.

Về hợp tác đa phương, hai bên đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, cam kết thúc đẩy quan hệ Pháp với ASEAN cũng như quan hệ giữa EU - ASEAN, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như ASEM, khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, Pháp ngữ, Liên Hợp Quốc.

Liên quan đến các vấn đề quốc tế, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Lãnh đạo Việt Nam và Pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự leo thang của tình hình Trung Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm leo thang và hết sức kiềm chế; lên án tất cả các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các hạ tầng dân sự; kêu gọi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và Lebanon.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp ngày 6-7/10, theo lời mời của Tổng thống Macron. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Pháp sau 22 năm. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD. 8 tháng đầu năm, kim ngạch đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Có khoảng 300.000 người Việt tại Pháp, là cộng đồng người Việt lớn nhất tại châu Âu.

Như Tâm

Tin liên quan
Tin Nổi bật