Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) hôm nay tuyên bố đặc nhiệm trực thuộc cơ quan này đã bắn rơi tiêm kích hạng nặng Su-30SM của không quân hải quân Nga trong chiến dịch tấn công giàn khoan dầu trên Biển Đen, song không tiết lộ loại vũ khí được sử dụng.
GUR công bố video từ máy bay không người lái (UAV) trinh sát, cho thấy phi cơ có hình dáng giống tiêm kích Su-30SM đang quần thảo trên bầu trời. Trong cảnh quay sau đó, một nguồn nhiệt lớn bay ngang qua UAV kèm theo vệt khói phía sau. Tuy nhiên, video không ghi lại cảnh máy bay trúng tên lửa.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Ukraine công bố video 'hạ Su-30SM Nga trên Biển Đen'Tiêm kích được cho là Su-30SM Nga trong video do Ukraine công bố ngày 12/9. Video: GUR
Rybar, tài khoản ủng hộ quân đội Nga với hơn một triệu người theo dõi trên Telegram và thường được dùng làm nguồn tin thay thế các tuyên bố chính thức của Moskva, cùng ngày xác nhận một tiêm kích Su-30SM đã trúng tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) khi tham gia bảo vệ giàn khoan Krym-2 trong đêm.
"Mục tiêu của quân đội Ukraine và huấn luyện viên Anh là thăm dò năng lực phòng thủ của lực lượng Nga tại khu vực. Bộ chỉ huy quân đội Ukraine biết Nga có khả năng và phương tiện tình báo để phát hiện xuồng tự sát không người lái, vì vậy họ sẽ tìm cách loại bỏ các hệ thống trinh sát Nga. Những cuộc tấn công tương tự có thể tái diễn trong tương lai", Rybar cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/9 tuyên bố ngăn chặn lực lượng Ukraine đánh chiếm giàn khoan Krym-2, phá hủy 8 xuồng máy và hạ 80 đặc nhiệm Ukraine trong trận giao tranh. "6 xuồng máy còn lại rút lui sau nỗ lực tấn công bất thành", cơ quan này cho hay.
Không quân hải quân Nga nhiều lần điều động tiêm kích Su-30SM, MiG-29K đánh chặn xuồng cao tốc chở lính đặc nhiệm và xuồng tự sát không người lái Ukraine triển khai trên Biển Đen.
Các máy bay Nga thường hoạt động gần mặt biển và sử dụng pháo tự động 30 mm để công kích mục tiêu, phương án được đánh giá là phù hợp để đối phó với xuồng cỡ nhỏ trên biển, nhưng điều này cũng khiến chúng dễ tổn thương bởi MANPADS của đối phương.
Vị trí giàn khoan Krym-2 tại Biển Đen. Đồ họa: RYV
Nga kiểm soát các giàn khoan trên Biển Đen sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, động thái bị Ukraine và nhiều bên phản đối. Giới chuyên gia phương Tây nhận định các công trình này có thể phục vụ cho quân đội Nga, trong đó có hoạt động giám sát, liên lạc và phòng không.
Ukraine từng triển khai chiến dịch chiếm lại một số giàn khoan gần bán đảo Crimea, song hiện chưa rõ tình trạng của các công trình này. Đối với Ukraine, kiểm soát các giàn khoan trên Biển Đen không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn có tính biểu tượng cao khi nước này tuyên bố sẽ giành lại bán đảo Crimea.
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, Reuters)