Một số thành viên của Hội đồng thành phố New York đang đề xuất một dự luật cho phép người lao động nghỉ phép có lương để chăm sóc y tế cho thú cưng. Đề xuất này nếu được thông qua sẽ áp dụng cho hàng triệu nhân viên và tạo một cuộc tranh luận lớn.
Chuyên gia nhân sự Teri Chilcoat đặt câu hỏi trên Linkedln: "Chúng ta có cần yêu cầu bác sĩ thú y xác nhận bệnh tình của vật nuôi trong tình huống này không?".
Đề xuất này theo sau hàng loạt phúc lợi dành cho thú cưng của người lao động những năm gần đây, nhằm đảm bảo nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên. Đặc biệt là thời kỳ đại dịch, hàng triệu người Mỹ quyết định nhận nuôi chó, mèo và các loài động vật khác.
Nhiều nhân sự Mỹ muốn được nghỉ phép có lương để chăm sóc thú cưng. Ảnh minh họa: Stephanie Burdick
Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2023 cho thấy 1/2 người nuôi thú cưng coi vật nuôi là một thành viên trong gia đình. 2/3 chủ sở hữu vật nuôi tại Mỹ đồng tình với quan điểm này. Ngược lại số hộ gia đình có trẻ em giảm từ 48% năm 2000, xuống còn 39% vào năm 2023, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Năm 2023, Annika Cha đã gia nhập công ty tìm kiếm pháp lý 9Sail có trụ sở tại New York. Công ty cô cung cấp hai ngày nghỉ phép và dự định tăng lên ba ngày, để nhân viên giúp vật nuôi mới ổn định tại nhà. Chính sách mới đã thúc đẩy Annika nhận nuôi một chú chó. Những ngày nghỉ phép có lương giúp cô an tâm huấn luyện con poodle đi vệ sinh đúng chỗ.
Shaun Abreu, Ủy viên Hội đồng thành phố, cho biết một trong những mục tiêu của dự luật vừa đề xuất là thúc đẩy quyền sở hữu thú cưng và tăng cường sức khỏe tinh thần của người dân.
Dự luật không yêu cầu thêm thời gian nghỉ có lương cho người nuôi động vật, thay vào đó là mở rộng luật nghỉ ốm hiện có của thành phố.
Theo đó các công ty có hơn 100 nhân viên được yêu cung cấp tối đa 56 giờ nghỉ phép hàng năm để chăm sóc bản thân hoặc một thành viên gia đình bị bệnh. Các doanh nghiệp dưới 100 nhân viên cần tối đa 40 giờ.
Annika Cha và con chó xù nhỏ của cô ấy, ollie. Ảnh: Annika Cha
Nhưng sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp không còn áp dụng mô hình làm việc từ xa buộc nhiều nhân sự phải đến văn phòng để làm việc. Một số nhà tuyển dụng nhận thấy chế độ nghỉ phép để chăm sóc vật nuôi là điều xa vời.
Ross Snyder, chủ tịch của White Tie Productions, công ty tổ chức sự kiện tại Phoenix (New York) với 15 nhân viên, nói không công bằng cho các nhân sự khác khi một người được nghỉ làm để đưa thú cưng đi khám bệnh và ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.
Công ty của Ross Snyder cho phép nhân viên nghỉ ốm có lương vô thời hạn. Nhưng chủ doanh nghiệp này cũng yêu cầu "các đơn nghỉ phép để chăm sóc y tế cho vật nuôi cần nhận được sự phê duyệt từ cấp quản lý".
Sau khi tăng phúc lợi cho thú cưng trong những năm gần đây, nhiều công ty bắt đầu giảm chế độ đãi ngộ này. Khảo sát của nhà cung cấp bảo hiểm MetLife với 2.500 công ty ở Mỹ, số lượng doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm cho vật nuôi của nhân sự giảm từ 16% năm 2023 xuống còn 13% năm 2024.
Jon Hyman, đối tác tại Wickens Herzer Panza ở Avon, bang Ohio, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp tư nhân về vấn đề nhân sự, cũng ủng hộ đề xuất nghỉ phép có lương để chăm sóc vật nuôi.
"Nhưng từ góc độ người sử dụng lao động tôi cho rằng các công ty cần tập trung cung cấp phúc lợi cho nhân viên trước", Jon nói. Ông cũng cho biết nghỉ phép có lương để chăm sóc thú cưng chắc chắn làm gia tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Andy Challenger, phó chủ tịch công ty dịch vụ việc làm Challenger, Gray & Christmas (Mỹ), cho biết các doanh nghiệp đang nỗ lực cắt giảm chi phí vận hành để vượt qua giai đoạn khó khăn. Một khảo sát của Challenger với 182 công ty vào mùa hè này cho thấy nhiều đơn vị đang cắt giảm lợi ích của nhân viên hơn năm 2023.
"Khi chưa thể cắt giảm các chế độ chăm sóc sức khỏe cho nhân sự, họ sẽ loại bỏ bảo hiểm của thú cưng", vị phó chủ tịch nói.
Minh Phương (Theo WSJ)