Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp

30/12/2024
|
0 lượt xem
Thế Giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới sân bay Orly, thủ đô Paris, Pháp, tối 3/10 (sáng 4/10 giờ Hà Nội), bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp ngày 3-7/10, theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Bộ trưởng Tư pháp Didier Migaud cùng các quan chức khác đã tới sân bay đón đoàn.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết việc lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự hội nghị là cột mốc mới, khẳng định cam kết của Việt Nam với sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ.

Hội nghị có chủ đề "Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp", là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước trao đổi, bàn bạc, giải quyết những thách thức lớn đối với quá trình phát triển và đổi mới.

Cộng đồng Pháp ngữ có 88 thành viên và quan sát viên, với các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Bulgaria, Hy Lạp, Thụy Sĩ, các nước châu Phi như Mali, Morocco, Cameroon và một số nước châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia. Tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu.

Cán bộ, nhân viên đại sứ quán Việt Nam đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Orly, thủ đô Paris, Pháp, tối 3/10. Ảnh: TTXVN

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Pháp sau 22 năm. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD. 8 tháng đầu năm, kim ngạch đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo Pháp sẽ nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, "quốc gia có vị trí rất quan trọng ở châu Á, đất nước mà chúng tôi có nhiều gắn bó về mặt lịch sử, về mối liên hệ trong khuôn khổ Pháp ngữ".

Ngọc Ánh (Theo TTXVN)

Tin liên quan
Tin Nổi bật