'Tìm con' cho người đàn ông chỉ còn một tinh hoàn

29/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Hiếm Muộn Sức Khỏe Vô Sinh Hiếm Muộn
'Tìm con' cho người đàn ông chỉ còn một tinh hoàn

Anh Tuyến mắc ung thư tinh hoàn bên trái, năm 2016 phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn chứa khối u. Điều này đồng nghĩa anh rất khó có con. "Mắc ung thư và nguy cơ vô sinh là hai cú sốc liên tiếp lớn nhất đời tôi", anh Tuyến nói hôm 19/9.

Sau phẫu thuật, anh từ chối hóa và xạ trị, kết hôn và vẫn nuôi hy vọng được làm cha. Vợ chồng 5 năm không có thai, bác sĩ một bệnh viện ở TP HCM chẩn đoán anh vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch.

Khi đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) chữa trị vào tháng trước, anh Tuyến đã ngấp nghé tuổi 50 tuổi, người vợ 40 tuổi. ThS.BS.CKII Dương Quang Huy, Trưởng đơn vị Nam học, cho biết thông thường nam giới bẩm sinh chỉ có một tinh hoàn vẫn có khả năng sinh sản như người đủ hai bên. Tuy nhiên, trường hợp cắt bỏ một bên như anh Tuyến thì khả năng có con giảm một nửa. Ngoài ra, tinh hoàn còn lại cũng tiềm năng có thể xuất hiện tế bào ung thư.

Tinh hoàn phải của anh Tuyến có hiện tượng teo nhỏ, may mắn kết quả xét nghiệm chưa xuất hiện nguy cơ ung thư tinh hoàn. X-quang phổi và các kết quả chụp chiếu khác chưa ghi nhận tình trạng tế bào ung thư di căn.

"Dù hy vọng rất thấp, bệnh nhân vẫn có cơ hội tìm thấy tinh trùng bằng kỹ thuật micro-TESE (vi phẫu tích mô tinh hoàn) ", bác sĩ Huy nói.

ThS.BS.CKII Dương Quang Huy tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh. Ảnh minh họa: Hoài Thương

Các bác sĩ quyết định vi phẫu cùng ngày chọc hút noãn (trứng) của người vợ để thụ tinh ống nghiệm ngay sau đó, nhằm tối ưu tỷ lệ thành công. Phần lớn thời gian đầu cuộc mổ, êkíp tìm kiếm ở nửa trên tinh hoàn, phát hiện toàn bộ các ống sinh tinh đều thoái hóa. Gần hai giờ sau, họ mới tìm được một ống sinh tinh "tí hon" tiềm năng. Bác sĩ Huy cắt trọn vẹn mẫu mô, chuyển đến phòng lab bên cạnh.

Chuyên viên phôi học sử dụng kính hiển vi đảo ngược độ phóng đại 200 lần để xé mẫu mô, soi tìm được 7 tinh trùng. Từng tinh binh nhanh chóng được lọc rửa rồi tiêm vào bào tương trứng (kỹ thuật ICSI), nuôi cấy trong hệ thống tủ cao cấp, thu được hai phôi ngày 5 chất lượng tốt. Vợ anh Tuyến hiện trong thời gian chuẩn bị niêm mạc tử cung để chuyển phôi.

Theo bác sĩ Huy, ung thư tinh hoàn thường xảy ra ở nam giới 15-35 tuổi, do lúc này quá trình sản sinh tinh trùng diễn ra nhanh và nhiều. Chỉ cần một chút sai sót trong quá trình phân chia tế bào có thể là tiền đề xuất hiện các tế bào ác tính. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở bệnh nhân có tinh hoàn ẩn.

Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt tinh hoàn và nạo vét hạch triệt để nếu có. Tùy tình trạng và loại ung thư có thể kết hợp xạ trị hoặc hóa trị để phòng ngừa di căn. Nếu ung thư cả hai bên tinh hoàn, việc cắt bỏ hoàn toàn khiến nam giới gần như chắc chắn vô sinh. Nam giới mắc ung thư một bên tinh hoàn, sau phẫu thuật có vẫn có nguy cơ vô sinh cao nếu bên còn lại giảm chức năng sinh sản hoặc phải hóa xạ trị.

Phương pháp xạ trị có thể khiến tinh hoàn còn lại phải nhận một liều bức xạ dẫn đến tổn thương, nguy cơ vô sinh. Thông thường, nam giới được khuyến cáo trữ đông tinh trùng trước khi hóa xạ trị, không nên cố gắng có con trong thời gian xạ trị và một năm sau đó.

Bác sĩ khuyến cáo sau thời gian này, nam giới khó có con tự nhiên nên khám và cân nhắc thụ tinh ống nghiệm càng sớm càng tốt. Nam giới trẻ tuổi hoặc chưa kết hôn, chưa có con, trước khi điều trị ung thư nên trữ tinh trùng, bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai. IVF Tâm Anh TP HCM đã áp dụng kỹ thuật này và bảo tồn khả năng sinh sản cho nhiều nam giới trước khi điều trị ung thư, trong đó có bệnh nhân 14 tuổi mắc ung thư xương.

Hoài Thương

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật