Thận vỡ đôi sau cú ngã xe

30/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Thận Các Bệnh Sức Khỏe Tiết Niệu - Nam Học
Thận vỡ đôi sau cú ngã xe

Ngày 15/10, BS.CKI Lý Minh Hoàng, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vị trí 1/3 dưới thận trái của anh Khang có vết rách sâu chia quả thận thành hai phần, nhiều vùng mô thận dập nát nghiêm trọng. Máu chảy từ vết rách tràn ra khoang sau phúc mạc (màng bụng), hình thành khối máu tụ lớn 10 cm bao quanh thận. May mắn các mạch máu chính nuôi thận chưa bị tổn thương, giúp duy trì sự sống cho cả hai phần thận. Thận vỡ đôi cũng khiến nước tiểu rò rỉ ra ngoài, anh Khang đối mặt nguy cơ nhiễm trùng.

"Đây là trường hợp thận vỡ đôi do tai nạn đầu tiên mà chúng tôi tiếp nhận điều trị", bác sĩ Hoàng nói, thêm rằng anh Khang bị chấn thương thận trái độ 4.

Thận trái anh Khang vỡ đôi sau chấn thương. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các bác sĩ chỉ định nút mạch thận trước để cầm máu, khi người bệnh phục hồi mới phẫu thuật. Nút mạch là phương pháp cầm máu kỹ thuật cao, ít xâm lấn, giúp bệnh nhân tránh nguy cơ cắt bỏ thận ở độ tuổi còn trẻ.

Hai ngày sau nút mạch, thận trái của anh Khang ngừng chảy máu, giảm đau, kích thước khối máu tụ giảm còn 7 cm, máu nuôi lưu thông đến thận ổn định. Anh được điều trị kháng sinh nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.

Đến ngày thứ 4, chỉ số HgB (lượng hồng cầu trong máu) giảm dần từ 15,3 g/dL xuống 13,2 g/dL, rồi đột ngột tụt xuống 9,5 g/dL. Sau khi được truyền hai đơn vị máu, tình trạng mất máu hoàn toàn dừng lại, song bệnh nhân phải nằm bất động trong suốt thời gian phục hồi sau nút mạch thận nhằm tránh làm vỡ khối máu tụ quanh thận, nguy cơ thận tiếp tục chảy máu, đe dọa tính mạng.

Một tuần sau, tình trạng chảy máu được kiểm soát, song bể thận (nơi chứa nước tiểu của thận) bệnh nhân đã vỡ, nước tiểu không ngừng rò rỉ ra ngoài. Các bác sĩ khoa Tiết niệu quyết định phẫu thuật dẫn lưu máu tụ và nước tiểu quanh thận kèm khâu nối bảo tồn thận.

Các bác sĩ rạch một đường khoảng 15 cm tại vùng hông lưng trái của người bệnh, bóc tách, mở đường vào thận, ghi nhận khoảng một lít máu chảy tràn đầy khoang và mỡ quanh thận, che mất thận. Êkíp phải hút hết lượng máu này ra ngoài để bộc lộ thận, thuận tiện phẫu thuật.

Tiếp theo, kíp mổ khâu ghép hai phần thận bị vỡ. Mô xung quanh vết rách bị dập nát nghiêm trọng nên bác sĩ không thể khâu tạo hình phục hồi lại thận hoàn toàn ngay lập tức. Sau 30 phút, vết rách trên thận được khâu ghép thành công, giảm nguy cơ thận chảy máu và rò rỉ nước tiểu. Các bác sĩ tiếp tục nội soi bàng quang - niệu quản để đặt ống JJ (ống dẫn lưu niệu quản) nhằm hạn chế các cục máu đông nhỏ sót lại trong thận làm tắc thận, tạo thêm đường thoát nước tiểu, ngăn nguy cơ nhiễm trùng.

Êkíp phẫu thuật khâu bảo tồn thận cho anh Khang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hoàng cho biết trường hợp chấn thương thận nghiêm trọng như anh Khang cần chờ khoảng ba tháng mới có thể phẫu thuật bảo tồn. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật sớm, máu tụ và nước tiểu ứ đọng quanh thận không được dẫn lưu sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng và mô thận dập nát rời rạc, khó lành. Vì vậy, êkíp quyết định can thiệp kịp thời cho người bệnh.

Một ngày sau mổ, anh Khang có thể đi lại, tập phục hồi chức năng, ăn uống bình thường, không còn dấu hiệu nhiễm trùng, chỉ số HgB ổn định ở mức 11,4 g/dL tương đương người bình thường.

Chấn thương thận thường xảy ra do tai nạn giao thông hoặc trong sinh hoạt, chơi thể thao. Triệu chứng là đau tức, bầm tím vùng hông lưng, chướng bụng, buồn nôn, đi tiểu ra máu (có thể tiểu máu đại thể hoặc tiểu máu vi thể), sờ cảm nhận được khối máu tụ xung quanh thận. Người bệnh có thể bị choáng, lơ mơ do mất nhiều máu.

Trường hợp nhẹ chỉ cần can thiệp cầm máu bằng phương pháp nút mạch thận. Chấn thương nặng, ngoài nút mạch, người bệnh được phẫu thuật cầm máu và phục hồi cấu trúc thận. Nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị sớm, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng do rò rỉ nước tiểu, nhiễm trùng khối máu tụ, mất nhiều máu. Một số biến chứng xuất hiện muộn như tăng huyết áp, ứ nước thận, viêm thận..., đe dọa sức khỏe và tính mạng.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo người gặp tai nạn giao thông, bị va đập mạnh vùng hông lưng cần đến bệnh viện khám sớm, kịp thời phát hiện chấn thương thận, nhất là chấn thương diễn tiến chậm, điều trị phù hợp tránh để lâu nguy hiểm.

Thắng Vũ

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận - tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật