Trả lời:
Tê tay thường liên quan đến bệnh thần kinh cơ, bệnh lý thần kinh - cột sống hay các bệnh lý khác. Dấu hiệu phổ biến là cảm giác tê, yếu, ngứa ran hoặc đau châm chích từ các đầu ngón tay, bàn tay, có thể lan lên cánh tay đến vai. Triệu chứng có thể xảy ra nhất thời hoặc kéo dài và kèm theo triệu chứng khác. Tê tay phổ biến ở người trung niên và người cao tuổi.
Tê tay có thể do các yếu tố như ngủ sai tư thế, thói quen sinh hoạt, phản ứng dị ứng, cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất, tác dụng phụ của thuốc. Người hút thuốc lá, béo phì hoặc tiền sử gia đình có người mắc tình trạng này có nguy cơ cao hơn.
Tê tay còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý như đa xơ cứng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ, hẹp cột sống cổ, hội chứng ống cổ tay, chấn thương đám rối thần kinh cánh tay, bệnh thần kinh ngoại biên. Viêm mạch, xơ vữa động mạch, đái tháo đường cũng có thể khiến tay bị tê.
Một số trường hợp có thể là triệu chứng đột quỵ, u não hoặc tủy sống, đau tim, hội chứng Guillain-Barré, ngộ độc chì hoặc các bệnh Lyme, Lupus, Zona, nhiễm trùng herpes, suy giáp, giang mai...
Nếu bạn bị tê tay nhẹ, xảy ra tạm thời, nhanh biến mất và không kèm theo các triệu chứng khác thì thường lành tính, không đáng lo ngại. Trường hợp tê tay nghiêm trọng, kéo dài hoặc kèm các triệu chứng như đau cột sống, đau cánh tay nhiều, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng, yếu liệt, nói khó, méo miệng, bạn nên đến chuyên khoa thần kinh hoặc nội tổng hợp để bác sĩ được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm.
Bác sĩ Hạnh Linh khám cho người bệnh tê tay. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Để chẩn đoán nguyên nhân gây tê tay, bên cạnh khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp như xét nghiệm máu, đo điện cơ, chụp X-quang, CT, MRI, siêu âm tuyến giáp, đo lượng chất trong cơ thể...
Tùy nguyên nhân, mức độ tê tay và bệnh nền của mỗi người, bác sĩ có thể điều trị khác nhau, đa mô thức như dùng thuốc, vật lý trị liệu, kích thích từ trường xuyên sọ, phẫu thuật giải ép thần kinh nhằm mang đến hiệu quả tối ưu.
BS.CKI Nghiêm Bảo Thị Hạnh LinhChuyên khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp