Chiều 23/10, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC, cho biết triển lãm SEMIExpo Vietnam 2024 ra đời nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, kết nối đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây cũng là một phần nhiệm vụ trong Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vừa được ban hành, với kỳ vọng góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư từ những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy phát biểu tại sự kiện chiều 23/10 tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý
"Đây là sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng cho hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng, cho môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung", ông Huy nói.
Tại sự kiện, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ đến và thảo luận về phương thức hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất bán dẫn toàn cầu, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực. Các đơn vị trong nước có thể tìm kiếm cơ hội trong chuỗi giá trị, từ lắp ráp và thử nghiệm, đến thiết kế, chế tạo vi mạch.
SEMIExpo Vietnam 2024 diễn ra ngày 7-8/11 tại trung tâm NIC ở Hòa Lạc, Hà Nội. Dự kiến, sự kiện có 100 gian hàng, với sự tham gia của công ty Việt Nam như FPT, Viettel, trường đại học trong nước và nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới như Global Foundries, Amkor, AMD, Lam Research, Qorvo.
"Với sự hỗ trợ của Chính phủ và tập trung phát triển hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh, Việt Nam sẵn sàng đóng góp đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn SEMI Đông Nam Á, đánh giá.
Một máy kiểm tra chip giá 7 tỷ đồng được nhập về Việt Nam, trưng bày tại sự kiện đầu tháng 10. Ảnh: Lưu Quý
Ngày 21/9, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành, được coi là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Chiến lược đề cập công thức C= SET+1, trong đó C là Chip, xoay quanh các trụ cột gồm S (Specialized) - phát triển chip chuyên dụng, E (Electronics) - công nghiệp điện tử và T (Talent) - Nhân tài, nhân lực. Yếu tố "+1" thể hiện mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài để tạo vị thế cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, bởi "Việt Nam là một trong số ít nước có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở tất cả công đoạn".
Trong giai đoạn một của chiến lược (2024-2030), Việt Nam đặt mục tiêu thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đặt mục tiêu trên 25 tỷ USD mỗi năm, nhân lực ngành đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Lưu Quý