Chiều 3/10, tại họp báo định kỳ của UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (Sở Xây dựng), cho hay thống kê sơ bộ bão Yagi đã làm hơn 40.000 cây xanh gãy đổ. Trong đó cây đô thị do Sở Xây dựng quản lý là hơn 11.000, số còn lại do quận, huyện, thị xã quản lý và số lượng lớn cây trong khu đô thị, công viên, trụ sở cơ quan...
Lý giải nguyên nhân cây gãy đổ hàng loạt, ông Hưng nói do cây xanh không chống được sức tàn phá của bão. Cây ở khu phố cổ sau khi mở rộng vỉa hè thì nằm hoàn toàn trên hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, viễn thông nên không thể cắm rễ sâu xuống đất, phải đi ngang, hoặc trồi lên nên dễ gãy đổ.
Cây xanh bật gốc còn nguyên bọc lưới trên đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hoàng Phong
Trả lời câu hỏi liên quan đến một số cây bật gốc để lộ còn nguyên bầu lưới, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố cho biết sau bão Yagi, đơn vị thống kê được 12 cây bật gốc còn nguyên bầu. Trong đó 7 cây còn nguyên bầu lưới, vật liệu không tiêu hủy và 5 cây bọc vỏ bao xi măng. Những cây này sẽ không phát triển được và rất dễ đổ. Sở Xây dựng đang truy tìm chủ đầu tư trồng các cây trên để quy trách nhiệm và yêu cầu khắc phục.
Đổ bộ Hà Nội chiều tối 7/9 với sức gió cấp 10 (102 km/h), bão Yagi đã làm 4 người chết, 24 người bị thương; hơn 36.000 ha lúa bị ngập, dập nát; gần 12.000 ha rau màu bị ngập, hơn 3.400 gia súc chết. Nước sông Hồng lên xấp xỉ báo động ba, mức cao nhất từ năm 1971 đến nay, gây ngập hơn 27.000 nhà ven sông.
Hiện tượng cây xanh bật gốc còn nguyên bầu từng xảy ra sau đợt mưa lớn giữa năm 2015. Khi đó lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định xác minh và xử lý nghiêm đơn vị làm sai.
Võ Hải