Trả lời:
VA là tổ chức bạch huyết nằm trên và sau vòm họng, phát triển nhanh và đạt kích thước lớn nhất lúc trẻ 7 tuổi. VA teo dần và thường biến mất hoàn toàn ở tuổi dậy thì. Tổ chức này có nhiệm vụ chặn vi khuẩn và virus xâm nhập qua mũi họng, tạo kháng thể. Đôi khi, VA bị viêm và trở thành ổ nhiễm trùng, phù nề, làm tắc mũi hoặc ống Eustachian (nối phía sau mũi họng với tai). Viêm VA tái phát nhiều lần cần được loại bỏ để ngăn biến chứng.
Trẻ được gây mê toàn thân trước khi nạo VA nên thường không cảm thấy đau trong quá trình nạo VA. Phẫu thuật kéo dài khoảng 30 phút, tương đối đơn giản. Bác sĩ sử dụng coblator để nạo VA. Đây là dụng cụ hiện đại, có thể vừa nạo VA vừa cầm máu hố mổ, ít chảy máu. Nhiệt độ cắt thấp hơn so với các loại dao điện giúp người bệnh ít đau sau phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh. Hậu phẫu, trẻ hồi phục hoàn toàn, ít gặp vấn đề về hô hấp và tai hơn, đồng thời hệ miễn dịch sớm trở lại bình thường.
Bác sĩ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nạo VA cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Con bạn viêm amidan, viêm VA và có chỉ định phẫu thuật, nên sớm cho con nhập viện để cắt amidan, nạo VA. Sau phẫu thuật, bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, kháng viêm... để hỗ trợ quá trình phục hồi. Phụ huynh cần cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng, không được tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác. Vệ sinh miệng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hướng dẫn trẻ đánh răng nhẹ nhàng.
Ưu tiên cho trẻ uống nhiều nước để bù dịch, uống nước đường hoặc sữa nguội, ăn cháo, súp trong và sau 6 giờ đầu sau phẫu thuật. Ăn thức ăn mềm, lỏng, nguội một ngày sau phẫu thuật và sau một tuần trẻ có thẻ ăn uống bình thường.
BS.CKI Nguyễn Tri Minh TríĐơn vị Tai Mũi Họng Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp