Làm thế nào phát hiện ung thư trực tràng?

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe Ung Thư
Làm thế nào phát hiện ung thư trực tràng?

Trả lời:

Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già, kết nối khung ruột già với ống hậu môn. Ung thư trực tràng xảy ra khi tế bào trong lớp niêm mạc của trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát, hình thành khối u ác tính. Đây là bệnh ung thư khá phổ biến của hệ thống tiêu hóa. Theo Globocan năm 2022, Việt Nam có khoảng 16.300 ca mắc mới và khoảng 10.270 ca tử vong do ung thư trực tràng.

Để tầm soát và phát hiện ung thư trực tràng, bác sĩ thường hỏi thông tin về tiền sử bệnh bản thân và gia đình, triệu chứng, khám hậu môn - trực tràng... Nếu nghi ngờ ung thư, người bệnh được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán gồm:

Xét nghiệm máu trong phân giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến ung thư trực tràng như thiếu máu do chảy máu tiềm ẩn (có máu xen lẫn trong phân nhưng có thể không nhìn thấy bằng mắt thường).

Bác sĩ khoa Ung bướu tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bạn có thể được chỉ định nội soi trực tràng (có thể kết hợp nội soi đại - trực tràng). Đây là phương pháp chẩn đoán trực tiếp phổ biến nhất để phát hiện ung thư trực tràng. Bác sĩ sử dụng một ống soi mềm, linh hoạt có gắn camera ở đầu ống, sau đó ống soi được đưa vào trực tràng để quan sát bên trong ruột và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán xác định bệnh. Nếu cần bác sĩ có thể kết hợp thực hiện nội soi đại - trực tràng nhằm khảo sát thêm khung đại tràng.

Nội soi có hai phương pháp bao gồm không gây mê và gây mê. Phương pháp không gây mê với đặc điểm là chi phí thấp. Người bệnh tỉnh táo trong lúc nội soi nên có cảm giác đau và khó chịu. Nội soi gây mê khắc phục được những nhược điểm của nội soi không gây mê là không gây đau, giảm khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên chi phí khá cao.

Chụp X-quang ngực hoặc CT (chụp cắt lớp vi tính) vùng ngực được thực hiện để tìm kiếm bằng chứng di căn đến phổi.

Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) vùng bụng - chậu giúp xác định chính xác vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của khối u và phát hiện di căn sang các hạch bạch huyết hoặc di căn xa đến các cơ quan khác.

Ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Bạn có một số dấu hiệu nghi ngờ ung thư trực tràng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu để được khám, kiểm tra và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ngoài ra, bạn nên giữ suy nghĩ tích cực, tinh thần ổn định, duy trì thói quen tốt để góp phần giảm nguy cơ ung thư trực tràng, nâng cao hiệu quả điều trị (nếu mắc bệnh).

BS.CKI Nguyễn Chí ThanhKhoa Ung Bướu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật