Làm gì khi nhà bị côn trùng xâm nhập?

29/12/2024
|
0 lượt xem
Bất Động Sản Không Gian Sống Nội Thất
Làm gì khi nhà bị côn trùng xâm nhập?

Khi đang nghỉ ngơi tại căn hộ dịch vụ (chung cư mini) ở quận 9, Duy Lộc kể anh hoảng hốt phát hiện một con bọ cạp dài gần 15 cm bò sát lên người. Anh lập tức đuổi nó ra khỏi người và xịt thuốc diệt côn trùng.

Phòng Lộc ở tầng trệt, nền thấp, thường mở cửa sổ để lấy sáng (trước cửa sổ là nhà xe ẩm thấp, lại gần với khu vực cống thoát nước của tuyến đường) nên nhiều loài côn trùng hay chui vào. Nếu anh khóa cửa sổ sẽ rất ngộp, đành "lực bất tòng tâm".

Bọ cạp chui từ cửa sổ vào nhà. Ảnh nhân vật cung cấp

Suốt 2 tuần qua, Hồng Anh không thể ngủ được vì tiếng chuột chạy và kêu xung quanh phòng trọ ở quận 5. Cô cho biết đã bẫy và bắt được gần 8 con, hầu hết là chuột cống to, có con còn làm ổ, đẻ chuột nhắt. Chúng hay quấy phá trên trần nhà, cắn phá bọc rác, gây hôi thối.

Còn Minh Huy (quận 6) lại phải đối mặt với lượng lớn gián, thằn lằn, nhện mỗi khi mùa mưa kéo dài. Anh cho biết những côn trùng này thường bò men theo đường ống nước dẫn từ dưới sân lên đến ban công rồi vào phòng ngủ.

Nhìn nhận vấn đề trên, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Thanh Huy cho rằng khe hở và vết rạn nứt thường bị nhiều gia chủ bỏ qua lại chính là nguyên nhân khiến côn trùng xâm nhập vào nhà. Cửa sổ, cửa ra vào không kín khít, hở khe và tường bị mốc, nứt chính sẽ là nơi trú ngụ của gián, kiến, muỗi. Tâm lý chung của nhiều người sống ở nhà phố đều muốn sự thông thoáng, thường mở cửa sổ hoặc lắp cửa sổ 1 lớp vì sợ gió không thổi vào được, nhưng đây là con đường dẫn côn trùng vào nhà.

"Thêm nữa, lỗ thông gió không được bảo vệ bởi lưới chắn côn trùng, hệ thống thoát nước thiết kế không đúng cách dẫn đến đọng nước cũng tạo môi trường ẩm ướt cho côn trùng phát triển", ông Huy bổ sung.

Nhà nhiều khoảng trống, tường ẩm mốc tạo điều kiện cho côn trùng, chuột trú ngụ. Ảnh: Hồng Anh

Còn theo kiến trúc sư Phạm Trọng Hoàng, những lỗi sai trong thiết kế và thi công cũng là lý do khiến nhà ở thu hút nhiều côn trùng. Chẳng hạn, nền đất nằm trên khu vực mối tập trung sinh sống nhưng việc xử lý phun, xịt chống mối trước khi thi công phần thô không được thực hiện, dẫn đến mối xâm nhập từ nền đất lên.

Một số nhà nằm gần đất trống, khu vực nước đọng nhưng nền nhà xây thấp, dễ ẩm mốc, tạo đường đi cho côn trùng vào nhà. Nắp đậy hố ga hoặc hầm cầu không đóng kín cũng khiến gián, chuột, kiến từ đường ống chui ra.

Ngoài ra, kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phong thủy Kiến trúc TPT, còn chỉ ra việc trồng nhiều cây xanh, nuôi cá ở sân vườn, ban công, sân thượng, thậm chí là trên mái nhà nhưng khâu xử lý không phù hợp nên đây cũng là nơi ở lý tưởng của côn trùng.

Để giảm thiểu sự xâm nhập và quấy phá của côn trùng, các chuyên gia cho rằng chủ nhà có thể thử những cách sau.

Trước hết, để khắc phục nhược điểm sàn thấp khiến côn trùng bò vào nhà, theo kiến trúc sư Phạm Trọng Hoàng, gia chủ nên lắp đặt cửa lưới ở cửa ra vào để ngăn côn trùng. Loại cửa này có mắt nhỏ, sợi mảnh, ngăn được những côn trùng nhỏ như muỗi, kiến ba khoang, gián... Cách này không ảnh hưởng đến chất lượng lấy gió và sáng vào nhà, đa dạng kết cấu như cửa lưới tự cuốn, lùa, xếp, cánh mở, phích cố định thích hợp với nhiều cấu trúc nhà.

Ông Hoàng cho rằng nên kết hợp cách này với việc tiết chế nguồn sáng trong nhà, chuyển đèn huỳnh quang thành đèn vàng để tránh thu hút kiến, muỗi.

Căn hộ dùng cửa lưới để ngăn côn trùng xâm nhập vào nhà. Ảnh: Nguyễn Minh Thư

Với những người yêu thích kiến trúc giếng trời hay "vườn trong nhà" thì việc có côn trùng là khó tránh khỏi. Để hạn chế ảnh hưởng, kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiếu cho rằng cần có lưới chống côn trùng bao quanh ô thoát gió khu vực giếng trời, đây là vị trí rất dễ bị lãng quên. Vườn nên trồng những cây tỏa mùi hương như sả, bạc hà, hương thảo, húng quế, ngải cứu,... để đuổi côn trùng. Đối với hồ nước, cần thả những loại cá ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá chép, cá vàng, cá betta... và thay nước định kì, hạn chế thực vật thủy sinh quá nhiều trong nước. Ngoài ra, gia chủ nên dùng máy hút ẩm để hạn chế ẩm mốc và duy trì độ ẩm phù hợp cho cây trồng.

Liên quan xử lý ổ mối, ông Hiếu khuyên trước giai đoạn đổ bê tông móng, cần xịt chống mối vào nền đất. "Chi phí xịt chống mối cho các công trình nhà ở dao động vài triệu đồng, nhưng có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn mối gây hại sau này", ông Hiếu nói. Những vị trí tiếp xúc với nền đất như bê tông nền, bê tông giằng móng, vữa xây cũng nên dùng mác cao để ngăn ngừa mối xâm nhập lên bên trên.

Những nhà phố xuất hiện các khe hở ở cửa ra vào, cửa sổ và lỗ thông gió, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Thanh Huy khuyên gia chủ nên bịt kín bằng keo hoặc các vật liệu chống côn trùng. Khi sắp xếp nội thất, chủ nhà cần hạn chế tạo ra khe hở và góc khuất, tránh tạo nơi cư trú cho gián, chuột. Nội thất được đặt sát, kín với nền nhà hoặc ít nhất hở lên so với nền 15-20 cm để dễ vệ sinh.

Còn những trường hợp cửa tiếp xúc với bên ngoài nhà, hoặc môi trường ẩm ướt như phòng vệ sinh, giặt phơi, ông Nguyễn Đức Hiếu khuyến khích gia chủ dùng các loại cửa nhôm, thép, nhựa lõi thép và thép để tránh mối mọt. Cửa cần có gioăng, để đảm bảo côn trùng không chui qua khe hở cửa để vào nhà. Nếu dùng cửa gỗ, cần xử lý qua thuốc diệt mối, quét sơn PU, bít các khe bằng keo và thường xuyên vệ sinh cửa khi sử dụng.

Chuyên gia này lưu ý đồ nội thất trong nhà, nếu gia chủ dùng gỗ tự nhiên cũng ưu tiên dùng những loại gỗ có khả năng chống mối như lim, thông, óc chó, mít, gụ, pơ mu.

Bình Nghi

Tin liên quan
Tin Nổi bật