Đường dây mua bán hóa đơn khống hơn 14.000 tỷ đồng hoạt động thế nào

29/12/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Đường dây mua bán hóa đơn khống hơn 14.000 tỷ đồng hoạt động thế nào

Hành vi của Bùi Văn Bảo, nguyên giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế Án Dương; Trần Văn Thịnh và 53 người khác được VKSND Tối cao nêu trong cáo trạng vừa hoàn tất.

Các bị can bị truy tố về tội Mua bán trái phép hóa đơn; Đưa, Nhận và Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Trốn thuế.

Trong đó, 4 cán bộ thuế bị cáo buộc Nhận hối lộ.

Lập 165 công ty 'ma' mua bán trái phép hóa đơn

Trước đó, hành vi sai phạm của những người này bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện. Tổng cộng, các bị can đã thành lập 165 công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn GTGT với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, trong quá trình làm dịch vụ khai báo thuế cho các doanh nghiệp, Bảo biết nhiều người có nhu cầu mua hóa đơn thuế GTGT khống để kê khai khấu trừ thuế, nên chỉ đạo nhân viên sử dụng CCCD và CMND (mua từ các tiệm cầm đồ) rồi thuê người đứng ra thành lập công ty; hoặc mua lại các pháp nhân.

Bảo đã lập và mua lại tổng cộng 35 công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn GTGT khống. Từ tháng 4/2018 đến tháng 5/2022, người này đã dùng 35 công ty xuất bán trái phép hơn 25.250 hóa đơn khống cho các doanh nghiệp và cá nhân trung gian với tổng giá trị hơn 1.433 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 18,8 tỷ.

Đào Minh Thọ cùng 10 nhân viên khác của Bảo đã thực hiện 778 giao dịch rút tiền mặt (hơn 625 tỷ đồng), tạo dòng tiền từ các doanh nghiệp mua hóa đơn sang công ty "ma" để hợp thức hóa cho việc thanh toán hóa đơn GTGT khống cho doanh nghiệp của Bảo. Riêng Thọ được trả công hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bảo còn bán lại cho Thọ 8 doanh nghiệp "ma" để mở đường dây mua bán hóa đơn trái phép riêng.

Cơ quan điều tra xác định có 21 người làm trung gian mua bán hóa đơn khống của Bảo bán lại cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Trần Văn Thịnh.

Theo đó, từ năm 2018 đến 2020, Thịnh đã mua 2.786 hóa đơn GTGT khống có giá trị hơn 177 tỷ đồng thuộc 19 doanh nghiệp "ma" của Bảo, sau đó bán lại cho nhiều người khác hưởng lợi một tỷ đồng.

Sau thời gian mua hóa đơn khống của Bảo, từ năm 2020 đến 2023, Thịnh tách ra mở đường dây riêng. Tổng cộng, người này thành lập 47 công ty "ma" bán trái phép hơn 29.700 hóa đơn khống với giá trị hơn 8.000 tỷ đồng, hưởng lợi gần 70 tỷ đồng.

Bị can Bùi Thanh Bình cũng là một trong những người trung gian mua hóa đơn khống của Bảo và Thịnh để bán lại. Ngoài ra, từ năm 2020 đến 2023, Bình đã thành lập 8 công ty "ma" để bán trái phép 15.750 hóa đơn với giá trị hơn 1.952 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 13,6 tỷ.

Cùng bị xử lý trong vụ án còn có Phạm Minh Cường và Lương Hoàng Tóa (chưa xác định được nhân thân). Hai người này đã dùng 12 công ty "ma" để xuất bán hơn 6.400 hóa đơn GTGT khống với tổng giá trị 2.530 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 7,5 tỷ.

Tương tự, bị can Nguyễn Khắc Điền cũng thuê nhiều người thành lập 63 công ty "ma" để xuất bán trái phép hóa đơn GTGT khống cho nhiều người. Tuy nhiên, hành vi của Điền và đồng phạm liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan ở nhiều địa phương nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tách ra để xử lý sau.

Mua chuộc cán bộ thuế

Để che giấu hành vi phạm tội, Bùi Văn Bảo đã móc nối, thỏa thuận đưa hối lộ cho Lê Thành Nhân (công chức Đội quản lý thuế liên phường Chi cục thuế quận 12 - huyện Hóc Môn, TP HCM). Nhân có nhiệm vụ tra cứu thông tin tình trạng nộp, khai báo thuế của các công ty "ma" do Bảo thành lập, nhắc nhở đóng thuế đầy đủ; hướng dẫn, cung cấp địa chỉ để thay đổi đăng ký hoạt động của công ty khi có doanh thu cao bất thường. Việc này để tránh sự chú ý, tránh bị cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện.

Từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2021, Bảo đã nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua nhân viên chuyển cho Nhân 1,25 tỷ đồng.

Cùng chiêu thức, Thịnh đã thông qua Bùi Thanh Bình đưa tổng cộng 14,4 tỷ đồng hối lộ cho 4 công chức ngành thuế để được "bảo kê". Trong đó, Bình đưa cho Nguyễn Anh Tuấn 12,7 tỷ đồng và Trần Quốc Duy 662 triệu đồng (đều là công chức Chi cục Thuế Khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè); Vương Quốc Hùng 300 triệu đồng (đội phó Đội kiểm tra nội bộ Chi cục thuế TP Thủ Dầu Một); Lê Thành Nhân 100 triệu đồng.

Quá trình điều tra, hồi tháng 3/2023 Nguyễn Anh Tuấn đã chết nên Bộ Công an không xem xét hành vi nhận hối lộ.

Để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp từ việc mua bán trái phép hóa đơn, Thịnh đã mua 9 bất động sản trị giá hơn 32 tỷ đồng, nhờ nhiều người thân đứng tên. Do đó, ngoài tội Mua bán trái phép hóa đơn; Đưa hối lộ; Thịnh còn bị truy tố thêm tội Rửa tiền.

Hải Duyên

Tin liên quan
Tin Nổi bật