Điều trị u nhú thanh quản như thế nào

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Họng - Thanh Quản Sức Khỏe Tai Mũi Họng
Điều trị u nhú thanh quản như thế nào

U nhú thanh quản hay u nhú đường hô hấp tái phát là các khối u lành tính, hình thành dọc theo đường hô hấp. Dựa vào độ tuổi, u này được chia làm hai loại gồm u nhú thanh quản ở trẻ vị thành niên và người lớn. Bệnh do virus HPV (virus u nhú ở người) gây nên, thường là HPV 6 và HPV 11. Tỷ lệ loại u nhú này tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy rất thấp.

ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết phương pháp chính điều trị u nhú thanh quản là phẫu thuật. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) nhằm đánh giá khả năng u nhú lan rộng xuống đường hô hấp dưới, kiểm tra toàn diện trước phẫu thuật.

Phẫu thuật: Các khối u nguy cơ tái phát trong vài tuần hoặc vài tháng nên cần phẫu thuật nhiều lần và theo dõi bằng nội soi thanh quản hay nội soi khí quản (nếu cần thiết).

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể cân nhắc loại bỏ một số mô lân cận để loại bỏ hoàn toàn virus tiềm ẩn không nhìn thấy trên lâm sàng. Nội soi treo thanh quản kết hợp các phương thức như máy cắt hút (máy bào mô microdebrider), dụng cụ phẫu thuật lạnh và vi phẫu thuật thường được áp dụng.

Trường hợp nặng, khi khối u đã tiến triển, bác sĩ phẫu thuật mở khí quản. Ống khí quản giúp giữ cho đường thở luôn mở, hơi thở thông thoáng nhưng bất tiện. Sau khi loại bỏ u, bác sĩ cố gắng tháo ống khí quản cho người bệnh càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Phát tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Điều trị nội khoa: Thuốc điều trị u nhú thanh quản thường là thuốc kháng virus có tác dụng ngăn virus tiến triển. Tác dụng của thuốc là ngăn chặn sự phát triển mạch máu của u nhú.

Để phòng u nhú thanh quản, người trưởng thành nên tiêm vaccine ngừa HPV. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo tất cả trẻ em trong độ tuổi 11-26 đều có thể tiêm vaccine này.

Khi có các dấu hiệu đau họng, khan tiếng kéo dài, viêm phổi tái phát, khó thở thường xuyên, người bệnh nên sớm đi khám. Nếu người bệnh có nguy cơ ung thư, bác sĩ tầm soát, có phát hiện bệnh và điều trị phù hợp.

Đức Trí

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật