Chiến thuật gây sức ép của ông Trump trong quan hệ đối ngoại

31/12/2024
|
0 lượt xem
Phân Tích Thế Giới
Chiến thuật gây sức ép của ông Trump trong quan hệ đối ngoại

Với việc thế giới đang ngày càng nguy hiểm hơn so với thời điểm Donald Trump nhậm chức lần đầu hồi năm 2017, các cố vấn kỳ vọng ông sẽ xử lý những cuộc xung đột bằng chiến thuật "vừa dỗ vừa dọa", một mặt xây dựng khả năng răn đe chống lại đối thủ nước ngoài, mặt khác thể hiện tinh thần sẵn sàng đàm phán, ủng hộ các chính sách hợp tác với đồng minh của Mỹ.

Theo các cố vấn này, Mỹ chưa đủ uy quyền trong mắt các đối thủ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Họ cho rằng bằng cách phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ mang lại hòa bình, hoặc ít nhất là ngăn chặn xu hướng leo thang xung đột ở Ukraine, Trung Đông và hơn thế nữa.

Ông Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Grand Rapids, Michigan, hôm 5/11. Ảnh: AFP

"Chúng ta sẽ có lại hòa bình thông qua sức mạnh. Đối thủ của Mỹ cần hiểu rằng những điều họ đã đạt được trong 4 năm qua sẽ không được dung thứ thêm nữa", Robert O'Brien, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Trump, người có thể đóng vai trò cấp cao trong chính quyền sắp tới, cảnh báo.

Nhưng việc thực thi các chính sách như vậy không phải dễ dàng, đặc biệt khi Nga, Iran và Triều Tiên đang ngày càng xích lại gần nhau và tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao với Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, giới quan sát đánh giá.

Theo trung tướng về hưu Keith Kellogg, người từng đảm nhiệm các vị trí an ninh quốc gia hàng đầu trong chính quyền Trump, Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ thi hành chính sách "dỗ dành và thuyết phục" các đối thủ lẫn đồng minh bằng việc xây dựng mối quan hệ cá nhân với các lãnh đạo thế giới.

Không giống như Tổng thống Joe Biden, người đã không nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ tháng 2/2022, Trump không ít lần ra tín hiệu rằng ông đang hướng tới đàm phán giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine với chính ông chủ Điện Kremlin.

Chiến lược ngoại giao cá nhân mềm mỏng như vậy có thể hữu ích trong việc làm suy yếu những trục chống Mỹ mới, Kellogg cho hay.

"Tất cả đều bắt đầu từ các mối quan hệ cá nhân", ông nói. "Tổng thống Trump sẽ kết nối với các lãnh đạo chủ chốt để cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Bạn luôn có sẵn những lựa chọn mạnh mẽ hơn, như các biện pháp trừng phạt hay vũ lực, nhưng đó không phải phương án đầu tiên".

Với các đồng minh và đối tác, ông Trump có thể tăng sức ép bằng lời đe dọa áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu và châu Á, như ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Ông thường xuyên phàn nàn rằng các quốc gia như Đức, nước có thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ trong khi được hưởng đặc quyền bảo vệ về quân sự, đang lợi dụng lòng hào phóng của Mỹ.

"Tôi không nghĩ Trump có kế hoạch phá hủy các liên minh, nhưng ông ấy cũng không thực sự quan tâm đến chúng", Jeremy Shapiro, giám đốc chương trình Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định. "Ông ấy cho rằng đó là một kiểu lợi dụng, các đồng minh giống như người thân đến nhà bạn vay tiền rồi ở lại cả ngày và sử dụng hồ bơi của bạn".

Chuẩn bị tinh thần cho một mối quan hệ mới với Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/11 cảnh báo về nguy cơ tan vỡ của "chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương".

Trump "đã được người dân Mỹ bầu chọn và ông ấy sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ, đó là điều hợp pháp và tốt đẹp", lãnh đạo Pháp nói. "Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có sẵn sàng bảo vệ lợi ích của người châu Âu hay không. Đây là câu hỏi duy nhất".

Mối quan hệ Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ chi phối nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Các cố vấn cũ và hiện tại cho biết ông dự kiến tăng cường cách tiếp cận cứng rắn như những gì đã làm ở nhiệm kỳ đầu tiên.

Trump có thể khơi mào trở lại cuộc chiến thương mại và đầu tư mạnh tay hơn cho quân đội Mỹ nhằm răn đe kịch bản xung đột có thể nổ ra ở Thái Bình Dương.

Tổng thống đắc cử hiện cảnh giác hơn với Trung Quốc, nước mà ông đổ lỗi là nguồn cơn làm bùng phát đại dịch Covid-19 và khiến ông thất bại trong cuộc đua Nhà Trắng năm 2020, theo hai cựu quan chức chính quyền. Trump cũng tức giận trước những cáo buộc về việc Bắc Kinh tìm cách hack chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông.

Nhưng ông không thể không cân nhắc trong mọi hành động liên quan đến Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons cảnh báo bất kỳ sai lầm nào của Trump trong quan hệ với các đồng minh châu Âu đều có thể mang lại lợi ích địa chính trị cho Bắc Kinh.

"Trung Quốc đã chờ đợi và chuẩn bị cho điều đó. Tốt hơn hết chúng ta nên thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách tăng hợp tác với các đồng minh", ông nói.

Giảm bớt hiện diện quân sự Mỹ ở nước ngoài cũng là mục tiêu trong chính quyền đầu tiên của Trump. Các cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu và Trung Đông không liên quan trực tiếp đến quân đội Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là Trump sẽ đứng ngoài cuộc.

Theo các cố vấn, ông sắp tới có thể sẽ cố gắng đẩy mạnh các hành động can thiệp vào mặt ngoại giao, thậm chí còn nhiều hơn những gì chính quyền Biden đã làm.

"Ông ấy muốn đưa Mỹ vào mọi cuộc xung đột trên thế giới để làm trung gian, để đưa ra các giải pháp ngoại giao", cựu quan chức Nhà Trắng của Trump cho biết. "Đó sẽ là trọng tâm chính cho những gì ông ấy sắp làm, trở thành một kiểu nhà trung gian cho hòa bình trên toàn thế giới".

Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp nhau tại New York hồi tháng 9. Ảnh: AP

Ngay cả những tranh chấp cấp thấp hơn cũng có thể khiến Tổng thống đắc cử cảm thấy hứng thú. Theo một cựu quan chức Nhà Trắng, ông vẫn nhớ trong chính quyền đầu tiên, Trump từng thảo luận với họ về việc làm trung gian hòa giải cho mối tranh chấp lâu đời và xa vời về mặt chính trị giữa Ethiopia và Ai Cập liên quan đến Đập Phục hưng Ethiopia trên sông Nile.

Những người ủng hộ và thậm chí cả người chỉ trích Trump cho rằng tài sản chính của ông là tính khó đoán, không giống như Tổng thống Biden, người thường báo trước các hành động của mình.

Theo các đồng minh, khi Trump ở Nhà Trắng, đối thủ sẽ không thể chắc chắn Mỹ phản ứng thế nào với mỗi hành động của họ.

"Khả năng răn đe đòi hỏi bạn phải cho đối thủ thấy những mối đe dọa rõ ràng và Trump đã làm được điều đó, dù bạn thích hay ghét ông ấy", Matthew Kroenig, phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, bình luận.

Trump từng tuyên bố muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, dù chưa rõ bằng cách nào. Các cố vấn của ông đề xuất đóng băng giao tranh tại chỗ, thừa nhận việc Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine trước xung đột và gây sức ép buộc Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin dường như chưa bằng lòng với những gì đạt được ở Ukraine hiện tại và muốn có ảnh hưởng nhất định đối với tương lai của Kiev, điều mà Trump có thể cảm thấy không dễ chịu, giới chuyên gia đánh giá.

Nhưng Tổng thống đắc cử "sẽ làm những gì cần thiết để chấm dứt giao tranh và giết chóc", O'Brien nói. "Ông ấy sẽ thực hiện điều đó bằng biện pháp ngoại giao như thế nào, chúng ta vẫn phải chờ xem. Nhưng Tổng thống đã tuyên bố rất rõ ràng rằng việc giết chóc phải chấm dứt".

Các cố vấn cho biết Trump cũng quyết tâm cứng rắn hơn với Iran so với người tiền nhiệm. Ông muốn khôi phục các lệnh trừng phạt mạnh tay và quay lại với chiến lược "gây sức ép tối đa", đặc biệt là nếu Tehran tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hôm 8/11, Bộ Tư pháp tiết lộ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã ngăn chặn một âm mưu ám sát Trump của Iran trước cuộc bầu cử. Hồi tháng 8, các công tố viên Mỹ buộc tội một người đàn ông Pakistan có quan hệ với Iran về âm mưu sát hại Trump.

Theo một cựu quan chức chính quyền Trump, không phải Tổng thống đắc cử đã đóng mọi cánh cửa đàm phán với Iran, nhưng để có thể đàm phán, Tehran sẽ phải trả giá rất đắt.

"Có lẽ họ không nên cố tìm cách ám sát ông ấy", cựu quan chức này nói.

Cả Trump và phó tướng của ông, JD Vance, đều không muốn chiến tranh với Iran, những người thân cận với Tổng thống đắc cử cho hay. Nhưng điều đó không có nghĩa ông sẽ đứng nhìn nếu Iran quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trump từ lâu đã vận động chống lại những gì ông gọi là những cuộc chiến tranh không hồi kết. Theo giới quan sát, với nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông có thể sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và Syria, nơi các binh sĩ Mỹ liên tục bị các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn tấn công.

"Chúng ta vẫn chưa biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào, nhưng cách tiếp cận của Trump sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều và chắc chắn đây không phải điều gây ngạc nhiên đối với bất kỳ ai", Andrew Tabler, chuyên gia cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, người từng phục vụ dưới chính quyền Trump đầu tiên, cho hay. "Ông ấy có thể sẽ sử dụng kết hợp ngoại giao, trừng phạt, cũng như cả những mối đe dọa về vũ lực quân sự để cố gắng tác động đến kết quả".

Về vấn đề Israel, theo các cố vấn, Trump có thể sẽ tìm cách đưa Arab Saudi vào Hiệp định Abraham, loạt thỏa thuận song phương mà chính quyền của ông đã làm trung gian đàm phán giữa Israel và 4 quốc gia Arab. Tổng thống đắc cử từng không thực hiện được điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Không giống như chính quyền Biden, người luôn ngăn cản Israel tấn công các địa điểm hạt nhân và cơ sở xuất khẩu năng lượng Iran, Trump đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "hãy làm những gì bạn phải làm" khi đối đầu với Iran và các lực lượng đồng minh của họ.

Hai đứa trẻ đứng trước đống đổ nát của những tòa nhà bị đổ sập sau cuộc không kích của Israel tại một trại tị nạn ở miền trung Dải Gaza hôm 7/11. Ảnh: AFP

Dù vậy, Thủ tướng Netanyahu vẫn khó lòng có được hậu thuẫn không giới hạn của Mỹ để theo đuổi các hoạt động quân sự ở Gaza và Lebanon. Trump đã bất đồng quan điểm với Netanyahu sau khi Thủ tướng Israel từ chối thách thức chiến thắng của Tổng thống Biden vào năm 2020. Hai người đã hàn gắn quan hệ trong năm qua, nhưng theo các cố vấn, Tổng thống đắc cử vẫn chưa nguôi phẫn nộ.

Trump đã vận động thành công để thu hút các cử tri Hồi giáo và Arab, những người kinh hoàng trước cảnh tàn sát ở Gaza, đánh bại Phó tổng thống Kamala Harris tại các thị trấn đông người Mỹ gốc Arab.

Với bối cảnh chính trường Mỹ hiện nay, khi đảng Cộng hòa đang đứng trước cơ hội lớn kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, Tổng thống đắc cử sẽ dễ dàng được quốc hội hậu thuẫn để tăng sức ép, buộc Thủ tướng Netanyahu chấm dứt chiến sự, nếu ông chọn làm như vậy.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Tin liên quan
Tin Nổi bật