Nang thận là cấu trúc dạng tròn hoặc bầu dục bên trong chứa đầy dịch lỏng, hình thành trên vỏ thận và không thông thương với đài bể thận. Nang có thể xuất hiện đơn độc hoặc nhiều nang, tại một hoặc cả hai quả thận.
ThS.BS Võ Xuân Huy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hầu hết nang thận lành tính, ít có triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ khi thực hiện các chẩn đoán hình ảnh tại vùng bụng (siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính). Thông thường nang thận đơn lành tính và chưa có biến chứng được theo dõi định kỳ, không cần điều trị ngay. Nếu nang thận tăng kích thước nhiều, nguy cơ phát sinh biến chứng cao, bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng các phương pháp dưới đây.
Phẫu thuật cắt chỏm nang bằng nội soi hay mổ mở. Bác sĩ thường nội soi hông lưng để bóc tách, tiếp cận, cắt chỏm nang kết hợp hút sạch dịch trong nang ra ngoài. Phương pháp này cho kết quả điều trị tốt nhất, ưu thế khi các nang ở sâu, ở gần rốn thận hay cực trên thận, có nhiều nguy cơ tai biến khi chọc dẫn lưu, theo bác sĩ Huy.
Bác sĩ Huy phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chọc hút dịch nang: Bác sĩ sử dụng siêu âm xác định vị trí nang thận rồi sử dụng một kim nhỏ chuyên dụng chọc xuyên qua da đến tiếp cận và dẫn lưu dịch nang ra khỏi cơ thể. Sau đó, bác sĩ bơm chất có tác dụng làm xơ hóa nang để ngăn nang phát triển.
Chọc hút dịch nang có tính chất điều trị tạm thời, chỉ định cho các nang thận đơn giản, những trường hợp không thể hoặc không đồng ý phẫu thuật. Phương pháp này không được áp dụng phổ biến do không loại bỏ hoàn toàn nang thận, tỷ lệ tái phát sau điều trị cao.
Cắt thận bán phần hoặc toàn phần áp dụng cho những nang thận phức tạp, nguy cơ ác tính cao, ung thư tế bào thận dạng nang.
Theo bác sĩ Huy, nang thận có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở người từ 40 tuổi trở lên. Theo thông tin đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, ước tính nang thận xuất hiện ở 25% người từ 40 tuổi trở lên và 50% ở người từ 50 tuổi trở lên.
Nang thận có thể phát sinh một số biến chứng như nang lớn chèn ép các cơ quan xung quanh gây đau hoặc cảm giác nặng vùng thắt lưng, vỡ hoặc xuất huyết nang đột ngột gây đau dữ dội vùng hông lưng, tiểu ra máu khi nang vỡ vào đài bể thận. Trường hợp nang bị nhiễm trùng, tắc nghẽn dòng nước tiểu dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận, tăng huyết áp thứ phát.
Bác sĩ Huy lưu ý nang thận không thể phòng ngừa nhưng có thể dễ dàng phát hiện thông qua chẩn đoán hình ảnh tại vùng bụng như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính. Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, theo dõi nang thận nói riêng và các vấn đề tại thận nói chung, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ