Ngủ sớm hơn vào buổi tối có thể giúp bạn thức dậy sớm vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, dậy sớm hay muộn còn do yếu tố bên trong cơ thể mỗi người chẳng hạn lịch trình ngủ tự nhiên hay nhịp sinh học. Nhịp sinh học thường dài hơn 24 giờ một chút, trung bình khoảng 24 giờ 10 phút. Có nhiều cách hiệu chỉnh lại nhịp sinh học để có được giấc ngủ mong muốn. Dậy sớm có thể là thách thức với một số người, nhưng một vài thay đổi nhỏ có thể giúp bạn thực hiện một cách nhất quán.
Để đồng hồ báo thức ở xa tầm với
Nhiều người đặt đồng hồ báo thức ở gần nên có thói quen bấm nút báo lại. Song nếu bạn đặt đồng hồ xa tầm với thì phải ra khỏi giường để tắt, giúp giảm tình trạng uể oải, dễ thức dậy hơn. Rời khỏi giường để tắt báo thức cũng đánh lừa bộ não, tăng cảm giác tỉnh táo thay vì quay lại ngủ. Để có hiệu ứng mạnh hơn, hãy cân nhắc sử dụng âm báo thức lớn hoặc bản nhạc sôi động mà một người khó có thể bỏ qua.
Không quay lại giường ngủ
Khi đã tắt báo thức, điều quan trọng là cần tránh ngủ tiếp. Hình thành thói quen không quay lại giường giúp gửi tín hiệu tỉnh táo đến não. Tính nhất quán rất quan trọng trong việc hình thành thói quen, nếu càng cưỡng lại cảm giác quay lại ngủ tiếp thì càng dễ dàng thức dậy hơn.
Mở rèm đón ánh sáng đầu ngày
Mở đèn sáng có thể khiến một người khó ngủ vào ban đêm hơn và nó cũng có tác dụng tương tự vào buổi sáng. Nhịp sinh học đóng vai trò như một "chiếc đồng hồ" bên trong báo hiệu thời điểm cơ thể cần tỉnh táo hoặc nghỉ ngơi. Tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học. Trong khi ánh sáng ban ngày tăng cảm giác tỉnh táo thì bóng tối có thể thúc đẩy sản xuất melatonin - loại hormone quan trọng cần thiết cho giấc ngủ.
Tiếp xúc liên tục với ánh sáng nhân tạo từ điện thoại di động có thể làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin. Nếu chỉ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên thì nhịp sinh học sẽ đồng bộ với bình minh và hoàng hôn. Do đó, hãy giữ rèm trong phòng ngủ luôn mở để đón ánh nắng bình minh, hình thành thói quen dậy sớm hơn về lâu dài.
Tắm, rửa mặt bằng nước lạnh
Tắm bằng nước lạnh có thể tăng lưu lượng máu lưu thông, sảng khoái tinh thần và tỉnh táo nhanh chóng. Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh kích hoạt hệ thống thần kinh để nâng cao tâm trạng và mức năng lượng. Nếu không quen tắm nước lạnh vào buổi sáng, bạn có thể rửa mặt bằng nước mát nhằm tạo sự khác biệt trong việc đánh thức cơ thể và tâm trí đầu ngày.
Ăn nhẹ và đi ngủ sớm vào tối hôm trước
Ăn một bữa ăn quá no trước khi đi ngủ dễ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, vì vậy hãy ưu tiên bữa tối nhẹ nhàng hoặc cách 2-3 giờ trước khi ngủ. Đi ngủ sớm hơn cũng giúp cơ thể thức dậy với cảm giác được nghỉ ngơi và ít ngủ nướng hơn. Người lớn đặt mục tiêu ngủ 7-9 giờ mỗi đêm. Thực hiện thói quen thư giãn một giờ trước khi đi ngủ bằng cách giảm ánh sáng, tránh sử dụng thiết bị điện tử và nhâm nhi một tách trà êm dịu.
Tránh ngủ nướng vào cuối tuần
Ngủ bù vào cuối tuần có thể làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, khiến bạn khó dậy sớm vào các ngày trong tuần. Thay vào đó, hãy cố gắng duy trì thời gian thức dậy đều đặn, ngay cả vào cuối tuần để cơ thể có được nhịp sinh học ổn định. Ban đầu có thể khó khăn nhưng theo thời gian, bạn có thể dậy sớm một cách tự nhiên.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp