5 yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ

07/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
5 yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ

Di truyền

Chiều cao, cấu trúc cơ thể, màu mắt, kết cấu của tóc, trí thông minh... của cha mẹ có thể di truyền cho con cái. Một số tình trạng như bệnh tim, tiểu đường, béo phì cũng có khả năng di truyền qua gene, từ đó ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của bé.

Giới tính

Giới tính tác động đến sự phát triển thể chất của trẻ. Con trai, con gái tăng trưởng theo những cách khác nhau, thể hiện rõ khi gần đến tuổi dậy thì. Bé gái có xu hướng thay đổi về vóc dáng nhanh hơn ở tuổi thiếu niên, trong khi bé trai có thời gian phát triển dài hơn. Cấu trúc cơ thể của hai giới cũng khác biệt. Bé trai thường khỏe mạnh, phù hợp với các hoạt động đòi hỏi thể chất dẻo dai, sức bền. Tính cách hai giới khác biệt nên chúng cũng có những sở thích khác nhau.

Tập thể dục

Tập thể dục thúc đẩy cơ thể tăng cường sức mạnh cơ bắp, khối lượng xương. Vận động đúng cách giúp trẻ đạt chiều cao tối ưu, chống lại bệnh tật bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Trẻ thường xuyên tập luyện, vui chơi ngoài trời cũng nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa dị ứng.

Trẻ em và thanh thiếu niên (6-17 tuổi) nên thực hiện ít nhất 60 phút hoạt động thể chất vừa phải, mỗi ngày, duy trì 3-5 ngày mỗi tuần. Bé có thể chạy nhảy cùng bạn bè, đạp xe, đá bóng... Các bài tập thể dục nhịp điệu, bài tập với dây thun kháng lực cũng kích thích hormone tăng trưởng nhiều nhất, từ đó giúp bé phát triển thể chất tối ưu.

Nội tiết tố

Nội tiết tố ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Mất cân bằng tuyến tiết hormone có thể dẫn đến khiếm khuyết về tăng trưởng, hành vi, tăng nguy cơ mắc bệnh khác. Tuyến sinh dục sản xuất hormone giới tính kiểm soát sự phát triển của cơ quan sinh dục ở bé trai và bé gái.

Dinh dưỡng

Cơ thể cần dinh dưỡng để xây dựng cơ, xương, điều khiển các chức năng thần kinh. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của trẻ. Mặt khác, trẻ ăn quá nhiều có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe về lâu dài như bệnh tiểu đường và bệnh tim. Chế độ ăn uống cân bằng cần có đủ vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate, chất béo lành mạnh.

Bé nên hạn chế bánh kẹo ngọt vì dễ làm tăng lượng đường trong máu. Khi cơ thể tăng đường huyết, lượng hormone insulin trong máu cũng tăng theo. Insulin có thể ức chế giải phóng hormone tăng trưởng (GH) ở trẻ khỏe mạnh. Ngoài dinh dưỡng trẻ nên ngủ đủ giấc, phần lớn hormone tăng trưởng được cơ thể giải phóng khi đang ngủ.

Lê Nguyễn (Theo FirstCry Parenting)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật