Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp, xảy ra đột ngột do mạch máu não hoặc gần não bị hẹp, tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao gặp biến chứng liệt, tử vong.
ThS.BS Phan Thị Ngọc Lời, chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ, được chia làm hai nhóm có thể dự phòng hoặc thay đổi được gồm bệnh lý, chế độ dinh dưỡng, cân nặng, thói quen sống. Nhóm đột quỵ không thể thay đổi, không dự phòng được là tuổi tác, giới tính, chủng tộc.
Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các nhóm dưỡng chất quan trọng hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ. Một số trái cây tươi giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa góp phần bảo vệ các tế bào, cải thiện lưu thông máu và độ bền thành mạch. Từ đó mạch máu não giảm nguy cơ hẹp, tắc nghẽn hoặc vỡ.
Chuối nhiều kali, magie, vitamin C, B6, chất xơ hòa tan, hỗ trợ điều hòa nhịp tim, huyết áp, lưu thông máu và độ bền thành mạch. Rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp là những tác nhân hàng đầu dẫn đến biến chứng tim mạch hoặc đột quỵ.
Táo giàu chất xơ hòa tan pectin, có khả năng ổn định mức cholesterol trong cơ thể, hạn chế tích tụ mảng bám trong mạch máu, góp phần tăng cường lưu thông máu và oxy, giảm nguy cơ hẹp, tắc mạch máu gần não hoặc trong não. Vitamin C trong táo hỗ trợ kiểm soát đường huyết, tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế nguy cơ vỡ mạch máu não.
Táo giàu vitamin C, chất chống oxy hóa. Ảnh: Bảo Bảo
Trái bơ cung cấp hàm lượng lớn các axit béo tốt, vitamin, axit amin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Vitamin B6 và B9 (folate), kali trong trái bơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
Bơ còn dồi dào omega-3, tác dụng làm tăng độ nhạy insulin của cơ thể, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Vitamin E trong bơ kết hợp cùng omege-3 làm giảm nồng độ chất béo trung tính và cholesterol xấu trong cơ thể, hỗ trợ lưu thông máu, hạn chế hình thành mảng bám gây hẹp, tắc mạch máu. Người trưởng thành ăn nửa trái bơ mỗi ngày giúp kiểm soát cân nặng, góp phần phòng ngừa đột quỵ.
Ổi có nhiều vitamin C, chất xơ, tham gia điều hòa hàm lượng đường trong máu, ổn định lượng chất béo trung tính triglyceride và cholesterol trong cơ thể. Ổi còn giàu các dưỡng chất như vitamin nhóm B, kali, magie, canxi, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ.
Trái cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh giàu vitamin C, canxi, kali, chất xơ hòa tan, các hợp chất chống oxy hóa flavonoid, polyphenol, naringin. Chúng có tác dụng hạ huyết áp, cải thiện độ bền thành mạch, giảm nồng độ cholesterol trong máu. Bổ sung trái cây có múi vào chế độ ăn hàng ngày tốt cho tim mạch.
Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 giảm cholesterol trong máu, tinh chất từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) để tăng cường lưu thông máu lên não, hỗ trợ ngăn ngừa thoái hóa thần kinh.
Bác sĩ Ngọc Lời khuyến cáo mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện các bất thường nếu có, kịp thời điều trị, tránh dẫn tới biến chứng đột quỵ.
Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla giúp tầm soát, phát hiện sớm các nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích hoặc có bệnh nền béo phì, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, mỡ máu cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ... nên tầm soát đột quỵ ít nhất một lần mỗi năm.
Các kỹ thuật, máy móc hiện đại như chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, CT 1975 lát cắt, CT 768 lát cắt, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu chuyên sâu giúp tầm soát, phát hiện những bất thường nhỏ nhất, có thể ngăn ngừa đột quỵ, theo bác sĩ Lời.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp